cây keo dậu

Keo dậu hay còn được dân gian gọi là cây bình linh hoặc keo giun. Hạt của loại cây này thường được sử dụng để trị chứng nhiễm giun đũa, hỗ trợ điều trị tiểu đường và yếu sinh lý. Tuy nhiên cây có chứa độc tố mimosine, có thể gây rụng tóc, bơ phờ, chán ăn và bướu cổ nếu dùng liều cao hoặc sử dụng dài ngày.

  • Tên gọi khác: Bồ kết dại, Keo giậu, Bình linh, Táo nhơn, Keo giun và Bò chét.
  • Tên khoa học: Leucaena leucocephala
  • Họ: Trinh nữ (danh pháp khoa học: Mimosaceae)

Đặc điểm

Cây keo dậu là loài thực vật thân nhỡ, là một loài cây thuộc họ Đậu, có chiều cao trung bình từ 2 – 4m. Thân cây không có gai, mảnh và thường có màu xanh lục hoặc nâu đỏ. Lá kép 2 lần lông chim, mỗi lá gồm khoảng 11 – 18 đôi lá chét.

Hoa có màu trắng, hình cầu như hoa trinh nữ, thường mọc thành cụm ở nách lá. Cây ra hoa vào tháng 4 – 6 và sai quả vào tháng 7 – 9 hằng năm.

Quả giáp rộng 15mm, dài 13 – 14cm và có màu nâu. Bên trong quả chứa khoảng 15 – 20 hạt hình bầu dục và có màu nâu nhạt.

Hạt keo dậu được sử dụng để làm dược liệu.

Phân bố

Cây keo dậu có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ và Nam Mỹ. Hiện nay, cây đã được di thực vào nước ta và mọc hoang nhiều tại một số tỉnh như Khánh Hòa, Bình Thuận, Phú Yên Bình Định…

Keo dậu phát triển ở hầu hết các vùng sinh thái của Việt Nam, nhưng nhiều ở nam Trung Bộ, như ở Khánh Hòa. Keo dậu sinh trưởng tốt trên đất thoát nước, ít chua, có thể thích ứng với đất mặn vừa ven biển. Keo dậu chịu khô hạn rất tốt nhưng không chịu úng đặc biệt là khi còn non.

Thành phần hóa học

Keo dậu đã được nghiên cứu từ nhiều năm nay. Một số thành phần hóa học được tìm thấy trong dược liệu, bao gồm:

  • Hạt chứa chất đường, protit 21%, chất nhầy 12 – 14%, leuxenola, chất béo 5.5%.
  • Lá chứa nhiều protein, carotene, tannin, quercetin,..
  • Chồi non và lá non chứa một lượng độc tố minosine. Vì vậy nếu dùng thảo dược này để làm thức ăn, cần đem ủ chua, nhúng với nước để qua đêm hoặc xử lý với nhiệt độ trên 70 độ C nhằm giảm lượng độc tố. Hàm lượng độc tố dưới 5% được cho là an toàn và có thể sử dụng cho con người.

Tác dụng dược lý của cây keo dậu

– Theo Đông Y:

  • Tác dụng chính là dùng để trị giun.
  • Lá và ngọn của cây còn được sử dụng để làm rau ăn hoặc dùng làm thức ăn cho cả gia súc, gia cầm.
  • Ở Ấn Độ, nhân dân sử dụng cây keo dậu để chữa các chứng bệnh về đường tiêu hóa.

– Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Thời Pháp thuộc, có dùng 50g hạt keo dậu/ ngày cho trẻ nhỏ ăn để trị giun đũa và không nhận thấy có hiện tượng ngộ độc.
  • Bệnh viện Ninh Giang sử dụng hạt keo dậu rang cho nở rồi tán bột và dùng để trị giun vào năm 1961 với liều dùng: Trẻ từ 3 – 15 tuổi dùng 5g/ ngày, sử dụng liên tục trong vòng 3 ngày nhận thấy có cải thiện rõ rệt.
  • Khi dùng hạt keo dậu trị giun nhận thấy có giun đi ra nhưng thực nghiệm cho giun vào nước sắc từ hạt keo dậu thì không nhận thấy có tác dụng.
  • Chất độc mimosine trong dược liệu có khả năng ức chế quá trình sản sinh của tế bào ung thư phổi, ung thư gan, đồng thời tăng độ nhạy cảm của tế bào ác tính với các phương pháp điều trị ung thư.
  • Một số nghiên cứu cho thấy, chiết xuất từ cây keo dậu có tiềm năng ức chế ung thư niêm mạc miệng và hiện tượng di căn của tế bào ác tính.
  • Gà con ăn hạt keo dậu có thể bị chết; Thỏ ăn lá và hạt gặp phải tình trạng ngộ độc và tăng tỷ lệ chết; Lợn ăn lá keo dậu giảm chức năng sinh sản tạm thời; Lừa, ngựa, dê ăn lá keo dậu có hiện tượng rụng đuôi lông, rụng lông và rụng bờm. Tuy nhiên những loài nhai lại như trâu bò khi ăn lá keo dậu thì không nhận thấy tác hại nào.
  • Chiết xuất từ hạt của cây keo dậu có thể làm giảm hoạt động của cơ, ức chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương và làm chậm tốc độ hô hấp.

Cây keo dậu có nhiều tác dụng và lợi ích đối với sức khỏe. Tuy nhiên để hạn chế các tác dụng phụ khi sử dụng vị thuốc này, bạn chỉ nên áp dụng bài thuốc khi có hướng dẫn cụ thể từ thầy thuốc. 

Ứng dụng của keo dậu

Dùng làm rau và thức ăn cho gia súc

Ở Việt Nam, lá, đọt non của cây mềm, được dùng làm rau ăn. Có thể dùng làm rau sống, luộc, xào, nấu canh rau hay canh chua. Vị của nó giống như rau nhút nên được người dân Nam Bộ dùng để nấu canh chua thay cho rau nhút. Quả non của cây keo dậu giống như quả đậu ván, dùng để luộc, xào, nấu canh như đậu que, đậu bún…

Tuy nhiên các bộ phận của cây keo dậu đều có chứa độc tố mimosine ở hàm lượng thấp, tốt nhất không nên dùng các bộ phận của cây này làm thức ăn.

Bột lá keo dậu khô là thức ăn bổ sung caroten, vitamin, khoáng chất cho gia cầm và gia súc non. Lượng protein trong lá khá cao (270 – 280 g/kg) và hàm lượng caroten khá cao (200 mg).

Tuy nhiên trong lá và quả cây keo dậu có chứa độc tố mimosin nên chỉ sử dụng dưới 25% trong khẩu phần cho gia súc nhai lại, dưới 10% đối với lợn và dưới 5% đối với gia cầm.

Lưu ý: Con người, gia súc, gia cầm ăn nhiều hạt keo dậu có thể bị rụng tóc và lông.

Phủ đồi trọc, tạo sinh khối và cải tạo đất

Keo dậu là cây tiên phong trên vùng đất khô hạn, nó có thể phát triển trên đất khô cằn và đồi trọc nên được khuyến cáo trồng để cải thiện môi trường vùng cao bị sa mạc hóa.

Do khả năng sinh thái có thể tái sinh hạt rất tốt nên người ta thường sử dụng nó làm 1 loài cây tiên phong phục hồi rừng. Hạt keo dậu sẽ được gieo vãi trên đất mất tính chất đất rừng, hạt nảy mầm, phát triển và sẽ cải tạo dần tính chất đất ở đây, tạo hoàn cảnh cho các loài cây gỗ khác có thể sinh trưởng.

Keo dậu còn được xem là một “cỗ máy sản xuất sinh khối”, do sản lượng lá của nó tương đương với khối lượng khô khoảng 2-20 tấn/ha trong một năm và củi khoảng 30–40 m³/ha trong một năm, với sản lượng có thể gấp đôi trong những khu vực có khí hậu thích hợp.

Là một loài cây thuộc họ Đậu nên keo dậu cũng là loài cây rất hiệu quả trong việc cố định đạm, bổ sung Nitơ cho đất trồng với khối lượng lớn hơn 500 kg/ha mỗi năm.

cây keo dậu

Cách trồng và sử dụng keo dậu

Keo dậu là cây chịu hạn tốt, có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau, nhưng thích hợp với đất dễ thoát nước. Thời điểm tốt nhất để trồng là đầu mùa mưa.

Keo dậu có thể trồng thâm canh trên đồi lớn, hoặc trồng xen canh trong vườn cây công nghiệp, cây ăn trái hoặc trồng làm hàng rào.

Trước khi gieo, cần phải xử lý hạt. Khâu này rất quan trọng, vì hạt keo dậu rất cứng, nếu không đánh thức trạng thái ngủ của nó thì hạt sẽ nảy mầm không đều. Nên trước khi trồng ta cần xử lý như sau: Ngâm hạt ở nhiệt độ nước 80 – 90o C trong 5 phút, sau đó vớt ra ngâm lại bằng nước lạnh 1 đêm, vớt ra để ráo sau đó đem gieo vào luống hoặc bầu đã chuẩn bị.

Gieo hạt theo hàng rạch, trung bình 1m dài gieo 20 hạt, lấp đất sâu khoảng 5 cm. Sau khi gieo hạt cần tưới giữ ẩm hàng ngày nếu trời ko mưa.

Sau khi trồng khoảng 4 – 5 tháng, có thể thu hoạch lần đầu. Cắt ngang từ mặt đất lên khoảng 80cm, sau khi thu hoạch cần tưới thường xuyên vài ngày đầu cho keo dậu đâm chồi mới, nếu chăm sóc kỹ thì sau 45 ngày thu hoạch lứa tiếp theo, thu hoạch lứa tiếp theo cần chừa lại 5cm cành mới cho keo dậu tái sinh chồi mới.

Để cây phát triển tốt và cho lượng sinh khối cao, nên bón lót thêm phân chuồng trước khi gieo và bón bổ sung hằng năm vào đầu mùa mưa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *