cây ổi

Cây ổi có tên khoa học là Psidium guajava L. Ổi có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới châu Mỹ, hiện được trồng ở nhiều nơi. Đây là một loại quả bình dân, giàu Vitamin C. Ổi chủ yếu dùng để ăn tươi và gần đây là làm mứt, sấy khô, đóng hộp, chế biến trà ổi.

Ổi là một loại cây nhỡ có chiều cao khoảng từ 3 đến 5m, cành nhỏ thường vuông cạnh. Lá có hình bầu dục, mọc đối nhau với phần cuống ngắn. Mặt trên nhẵn hoặc hơi có lông còn mặt dưới có lông mịn. Phiến lá nguyên, khi soi lên sẽ thấy có túi tinh dầu trong.

Hoa ổi mọc đơn ở các kẽ lá, có màu trắng. Quả mọng ở đầu quả có sẹo của đài, hình dáng quả thay đổi tùy theo loài. Mỗi quả có chứa rất nhiều hạt, màu hơi hung, hình thân, không đều.

Giống cây ổi 

Ở nước ta hiện nay trồng chủ yếu một số giống ổi sau: ổi Bo, ổi xá lị nghệ, ổi sẻ, ổi mỡ, ổi đào, ổi nghệ; ruột hồng (da láng, da sần) gần đây có một số giống mới không hạt như: ổi không hạt Đài Loan, ổi không hạt Thái Lan, ổi không hạt Mã Lai.

Giá trị dược liệu của cây ổi

Các bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, quả, vỏ rễ và vỏ thân đều được dùng để làm thuốc.

Các bài thuốc dân gian từ cây ổi được sử dụng ở Việt Nam, Trung Quốc, Hawaii, Trung Mỹ, Nam Mỹ, Caribe, Tây Phi…

Nghiên cứu dược lý cho thấy dịch chiết các bộ phận của cây ổi đều có khả năng kháng khuẩn, làm săn se niêm mạc và cầm tiêu chảy.

Theo Đông y: lá ổi có vị đắng, tính ấm, có tác dụng tiêu thũng giải độc, thu sáp chỉ huyết; quả ổi vị ngọt hơi chua sáp, tính ấm, có công dụng thu liễm, kiện vị cố tràng; các bộ phận của cây ổi thường được dùng để chữa các chứng bệnh như tả (đi lỏng), cửu lỵ (lỵ mạn tính), viêm dạ dày ruột cấp tính và mạn tính, thấp độc, thấp chẩn, sang thương xuất huyết, tiêu khát (tiểu đường), băng huyết…

– Búp ổi, lá ổi là một vị thuốc đáp ứng rất tốt cho yêu cầu se da, giảm xuất tiết và cả giảm kích thích để làm dịu các triệu chứng cấp. Uống thêm nước cháo gạo lức rang có thêm vài lát gừng nướng và một chút muối vừa bảo đảm yêu cầu bổ sung nước, vừa giữ ấm trung tiêu và kích thích tiêu hoá là những biện pháp đơn giản, ở trong tầm tay, nhưng có thể giải quyết được hầu hết các trường hợp.

Ở Việt Nam kinh nghiệm dân gian nhiều nơi đã dùng lá ổi giã nát hoặc nước sắc lá ổi để làm thuốc sát trùng, chống nấm, chữa các trường hợp lở loét lâu lành, làm giảm sốt, chữa đau răng, chữa ho, viêm họng.

Nghiên cứu của Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết:

Lá ổi chứa tinh dầu (0,31%) trong đó có dl-limonen, β-sitosterol, acid maslinic, acid guajavalic. Trong lá ổi non và búp non còn có 7 -10% tanin pyrogalic, khoảng 3% nhựa. Cây, quả ổi có pectin, vitamin C. Hạt có tinh dầu hàm lượng cao hơn trong lá. Vỏ thân có chứa acid ellagic. Thường được dùng trị viêm ruột cấp và mạn, kiết lỵ, trẻ em khó tiêu hóa. Lá tươi còn được dùng khi bị chấn thương bầm dập, vết thương chảy máu và vết loét. Lá ổi chữa tiêu chảy và đau bụng đi ngoài. Lá, búp ổi non còn được dùng chữa bệnh zona.

cây ổi

Một số lưu ý khi trồng và chăm sóc cây ổi

Đất trồng, khí hậu

Đất trồng và khí hậu là hai điều kiện quan trọng cần chú ý nếu quyết định trồng Ổi. Độ PH của đất trong khoảng 4.5 đến 8.2. Nhiệt độ trồng cây nằm trong khoảng 30 độ C. Ổi không chịu được rét, nhiệt độ thấp kéo dài dưới -2°C cả cây lớn cũng chết. Ở những nơi có nhiệt độ ban đêm mùa đông là 5-7°C trong vài giờ/đêm thì sự tăng trưởng ngừng và lá chuyển sang màu tím. Nhiệt độ thấp dưới 18 – 20°C quả bé, phát triển chậm chất lượng kém.

Nhiệt độ tối ưu để tăng tỷ lệ đậu trái là 23-28°C, ngoài giới hạn nhiệt này thì sự đậu trái giảm đáng kể.

Đất trồng nhiều ẩm tốt cho sự phát triển của cây. Đất trồng cần tơi xốp, thoáng và giữ nước tốt. Với loại đất trồng khô cần thường xuyên tưới nước, thời gian chăm sóc cây rất nhiều.

Mật độ trồng

Có thể trồng kép hai cây vào một gốc ổi. Mật độ trồng cần đạt là 100 gốc ổi trong một vườn diện tích 1000m2. Khoảng cách trồng thích hợp là 3,5m x 4m.

Tỉa lá, tỉa cành, tạo tán.

  • Khi thấy cây có lá và cành quá nhiều, cần loại bỏ bớt những cành, lá xung quanh gốc cây, những cành bị che kín. Khi thấy lá, cành bị sâu bệnh hại cần loại bỏ ngay. Thực hiện các công việc này giúp cho cây hạn chế được sâu bệnh và hạn chế tối đa sự phân tán các chất dinh dưỡng dành cho cây không cần thiết.
  • Tạo tán, bấm đọt tạo điều kiện thuận lợi cho cành ra nhiều quả, diệt trừ sâu bệnh hại dễ dàng, thu hoạch quả nhanh chóng. Tạo tán cho Ổi còn giúp bộ rễ phát triển giúp cây phát triển tốt nhất. Cách thực hiện tạo tán: Khi cây trồng được 3 tháng, cần quan sát ở vị trí gần mắt ghép, từ thân cây sẽ tạo ra những mầm mới chỉ để lại 3 mầm (được gọi là những cành cấp I). Cành cấp 1 tạo với thân 1 góc 50 độ, chiều dài cành vào khoảng 50cm. Khi cành này dài khoảng 70cm cần cắt bỏ một nửa cành sau này cây sẽ thấp dễ thu hoạch quả. . Từ cành mọc ra từ thân chính này sẽ mọc ra các cành mới (cành cấp 2), cành cấp 2 chỉ nên để kích thước của cành này khoảng 35cm là thích hợp nhất, mỗi cành cấp 2 chỉ để lại 2 đến 3 cành mới mọc ra gọi là cành cấp 3. Từ cành cấp 3 sẽ mọc ra nhiều cành mới tuy nhiên chỉ để lại khoảng 7 – 8 cành với những cành yếu và mọc quá dày nhau hãy cắt bỏ để cây có những bộ tán cân đối.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *