Cắt tỉa cây là việc loại bỏ một bộ phận của cây để cải thiện, sửa đổi hình dạng, ảnh hưởng đến sinh trưởng, ra hoa đậu trái, cải thiện chất lượng sản phẩm hoặc sửa chữa các thiệt hại của cây. Tuy nhiên việc cắt tỉa cần được áp dụng một số nguyên tắc.
Cắt tỉa cây sẽ tạo ra các chồi mới sinh trưởng mạnh và có nhiều khả năng để các cành mới này cho hoa trái, giúp giữ được sản lượng ổn định hằng năm. Cắt tỉa cây giúp ánh sáng truyền vào tán cây nhiều hơn, qua đó giúp cải thiện về chất lượng, màu sắc và kích thước trái. Tuy nhiên việc cắt tỉa phải được áp dụng một số nguyên tắc nhất định. Sau đây là một số nguyên tắc trong kỹ thuật cắt tỉa cây ăn quả
1. Giai đoạn cây chưa phát triển cành lá mới trong năm
– Đối với các loài có các chồi cựa nhỏ mọc tận cùng trên nhánh và các chồi này phát triển trong thời gian dài trên cây để cho trái, nên việc cắt tỉa cần thực hiện trên các nhánh đã phát triển trong mùa trước. Các nhánh dài cần được cắt ngọn hoặc cắt bỏ hoàn toàn vì khi mang nhiều trái cành sẽ bị uốn cong xuống, trái bị lắc nhiều trong gió gây bầm dập các trái khác trên cây.
– Đối với các loài cho trái trên các nhánh bên mọc ra từ mùa trước, có thể cắt bỏ 2/3 các nhánh mới mọc ra trong năm (có thể mọc ra trong giai đoạn cây mang trái vụ vừa mới thu hoạch) và các nhánh già yếu, chỉ chừa lại các nhánh sinh trưởng mạnh để cho trái trong mùa tiếp theo.
Sau khi cây đã cho trái một số năm, các chồi nhỏ trên những cành giàn sẽ bị già cỗi, chết, thiếu ánh sáng hoặc bị gãy trong quá trình canh tác. Do vậy, các cành giàn này có thể được đốn bỏ để tạo điều kiện cho cây mọc các cành sườn mới và các chồi mới được tiếp tục mọc ra.
2. Giai đoạn cây đang phát triển cành lá
Được thực hiện trên các cây còn nhỏ nhằm chọn lọc các cành giàn thích hợp và khi thực hiện trên cây cho trái thì nhằm loại bỏ các cành vượt (water sprouts), làm giảm sức sinh trưởng của cây, cải thiện việc đậu trái, màu sắc trái…
3. Cắt tỉa cây sau mùa thu hoạch
Đối với một số loại cây ăn trái, cần tiến hành cắt tỉa cây sau khi thu hoạch trái, như nhãn, vải, xoài, nho, thanh long… các chồi, cành mang trái phía ngoài tán, cành bị bẻ gảy, cành yếu vươn ra xa tán, cành bị sâu bệnh, cuống trái… cần được cắt để thu nhỏ tán cây và giúp cây đâm chồi mới đồng loại, chồ mạnh mập khoẻ để chuẩn bị cho mùa trái năm sau.
4. Các loại cành cần cắt tỉa
Loại bỏ các cành nhỏ mọc thẳng bên trong tán, các cành nhỏ không nhận được ánh sáng, cành mọc khít nhau hay mọc chồng khít lên nhau để tăng khoảng cách thích hợp cho các cành giàn. Việc cắt bỏ các cành bị sâu bệnh, cành bị khô héo hay hư hỏng cần tiến hành thường xuyên.
5. Thời điểm cắt cành trong năm và cách cắt cành
Tốt nhất là cắt cành trong điều kiện thời tiết khô ráo để vết thương mau lành. Cần lưu ý đến kỹ thuật cắt cành, khi cắt hết thân cành thì nên cắt sát chân cành để vết thương mau lành, tránh chừa lại một phần thân cành vì phần nầy dễ bị hư thối, hoặc trên phần thân cành còn lại nầy sẽ có những cành nhỏ mọc ra và trở thành loại cành mọc bên trong tán, phải tốn công cắt tiả thêm.
Có một số nhà vườn kết hợp việc cắt cành thông qua phương pháp chiết cành. Tuy nhiên, điều này cần được cân nhắc vì làm như thế ta đã giữ lại một số cành trên cây trong một thời gian mà nói về mặt sinh trưởng thì không có hiệu quả, do đó việc chiết cành cần thực hiện với mục đích rõ ràng trong thời điểm thích hợp.