Cây chùm ngây hay rau chùm ngây có tên khoa học là Moringa oleifera thuộc họ Chùm ngây. Là một loài cây thân gỗ có nguồn gốc từ vùng Nam Á, thường được trồng hoặc mọc hoang ở nhiều nơi trên thế giới tại các vùng đất khô hạn khắc nghiệt nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới. Tại Việt Nam, cây chùm ngây thường được thấy nhiều ở các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Đặc điểm và sinh thái
Chùm ngây là cây thân gỗ mềm, lâu năm cao cỡ trung bình, ở độ tuổi trưởng thành, nếu không được cắt tỉa cây có thể mọc cao hàng chục mét.
Thân cây óng chuốt, không có gai. Lá kép dài 30–60 cm, hình lông chim, màu xanh mốc; lá chét dài 12–20 mm dạng hình trứng, mọc đối có 6-9 đôi. Cây trổ hoa vào các tháng 1–2.
Hoa màu trắng kem, có cuống, hình dạng giống hoa đậu, mọc thành chùy ở nách lá, có lông tơ, nhiều mật.
Quả dạng nang treo, dài 25–40 cm, ngang 2 cm, có 3 cạnh, chỗ có hạt hơi gồ lên, dọc theo quả có khía rãnh. Hạt có màu đen, tròn có 3 cạnh, lớn bằng hạt đậu Hà Lan.
Chùm ngây sống được ở những vùng đất khô hạn khắc nghiệt nhiệt đới hoặc bán nhiệt đới. Cây chuộng đất ráo nước, nhiều cát, dù là đất xấu cũng dễ mọc, chịu được hạn hán, ưa nắng, độ pH đất từ 4,5 -8. Hầu như không bị sâu bệnh hại do đó chăm sóc cây không cần điều kiện gì đặc biệt về phân bón và nước tưới.
Tuy nhiên cây không chịu được úng ngập và dễ chết nếu không được thoát nước tốt. Biểu hiện ban đầu của sự dư nước dưới rễ chùm ngây là trên lá cây xuất hiện những đốm trắng, khi đó người trồng cây cần ngưng tưới hoặc tìm cách thoát nước cho cây.
Gỗ chùm ngây khá mềm, giòn nên thân cành dễ bị gãy trong mưa bão.
Giá trị dinh dưỡng
Chùm ngây là một loại cây trồng đặc biệt bởi rất hiếm có loài thực vật nào chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu với hàm lượng cao như thế.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các bộ phận của cây chùm ngây đều chứa nhiều khoáng chất quan trọng như Canxi, Sắt, Magiê, Mangan, Phốt pho, Kali, Natri, Kẽm; giàu chất đạm, vitamin, beta-caroten, acid amin và nhiều hợp chất phenol. Cây chùm ngây cung cấp một hỗn hợp gồm nhiều hợp chất quý hiếm như zeatin, quercetin, alpha-sitosterol, caffeoylquinic acid và kaempferol.
Lá chùm ngây còn chứa nhiều dưỡng chất hơn cả quả và hoa, tính theo trọng lượng, trong đó vitamin C hơn cam 7 lần, vitamin A hơn cà rốt 4 lần, canxi gấp 4 lần sữa, sắt gấp 3 lần cải bó xôi, đạm nhiều gấp đôi sữa chua, trứng và potassium (kali) gấp 3 lần so với chuối.
Công dụng
Chùm ngây được xem là một trong những loài cây hữu dụng bậc nhất thế giới, do toàn bộ các bộ phận của cây từ thân cành lá hoa, quả, rễ đều có thể được dùng làm thực phẩm, dược phẩm hoặc phục vụ cho các mục đích khác nhau.
1 Thực phẩm
Là một loại rau giàu dinh dưỡng nên trong bữa ăn hằng ngày, thường được sử dụng để nấu canh, trộn salad, xào thịt bò hoặc ăn sống, xay thành sinh tố. Bột làm từ lá cây chùm ngây có thể bảo quản lâu mà không sợ mất đi hàm lượng dinh dưỡng vốn có của nó. Dùng cho trẻ ăn kèm cùng với cháo, bột, pha nước uống,… đều rất tốt.
Trong hoa của chùm ngây có chứa nhiều mật và hàm lượng dinh dưỡng cao có thể phơi khô rồi dùng hoa khô nấu nước uống thây cho nước trà.
Quả chùm ngây non được dùng để xào, nấu canh cùng với xương hầm hay ninh cùng súp. Hạt rang lên ăn thơm, ngon giống như đậu phộng, rễ non có thể ăn sống làm gia vị mù tạt.
Hạt chùm ngây có chứa một hàm lượng dầu, có thể được sử dụng như các loại dầu thực vật khác hoặc sử dụng để làm nhiên liệu sinh học cho ngành công nghiệp.
Lưu ý: Chùm ngây rất tốt cho cơ thể, tuy nhiên phụ nữ có thai không nên sử dụng vì chùm ngây sẽ gây co trơn tử cung và làm sảy thai. Không nên dùng quá nhiều chùm ngây vì sẽ gây thừa canxi, nên dùng với lượng vừa đủ. Không nên sử dụng quá nhiều vào buổi tối vì nó sẽ khiến thần kinh của bạn hưng phấn vào lúc cần nghỉ ngơi, gây nên chứng mất ngủ.
2 Dược liệu
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:
Cây chùm ngây được ứng dụng trong việc điều trị các bệnh lý sau:
- Phòng ngừa ung thư, ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư
- Phòng ngừa thiếu máu; Hỗ trợ sức khỏe não bộ; Cải thiện sức khỏe của mắt
- Giảm nguy cơ mắc bệnh về tim; Giảm huyết áp cao, ngăn chặn tình trạng động mạch bị dày lên
- Giảm lượng đường trong máu đối với các bệnh nhân bị đái tháo đường
- Giảm viêm; Bảo vệ gan; Hỗ trợ điều trị sỏi thận; Điều trị táo bón
- Tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện quá trình trao đổi chất, chống lại bệnh cúm, sốt và dị ứng
- Chống độc tính của asen, tránh mắc phải các bệnh lý về viêm da, bệnh tim mạch, suy thận, đái tháo đường,…
- Lợi sữa cho phụ nữ giai đoạn cho con bú
- Giảm cân, ngăn chặn cơ thể hấp thụ chất béo và cholesterol
- Nuôi dưỡng làn da tránh khỏi vấn đề lão hóa và mái tóc chắc khỏe
Theo Y học cổ truyền:
Trong Y học cổ truyền, cây chùm ngây được ứng dụng để chữa các bệnh lý sau:
- Trị các vết thương bị sưng và nhọt
- Trị phong thấp
- Giúp trị táo bón, mục cóc, giun sán
- Chống co giật, chống sưng
- Trị đau răng, đau tai
- Trị nóng sốt
- Trị đau dạ dày
- Trị phong thấp
- Tác dụng lợi tiểu
Lưu ý: Không sử dụng cây chùm ngây làm dược liệu trị bệnh cho các đối tượng dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong dược liệu.
Hạn chế sử dụng rễ và chiết xuất của nó, bởi các thành phần này có chứa các chất độc hại có thể gây tê liệt thân thể hoặc tử vong.
3 Nông nghiệp
Do chùm ngây mọc nhanh, sống được ở những điều kiện đất đai khô cằn và trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chịu được hạn hán, nên chùm ngây thường được trồng làm hàng rào xanh che chắn cho các khu sản xuất nông nghiệp, che bóng cho các cây công nghiệp, cây ăn trái dài ngày, chắn gió, chắn cát.
Phân bón hữu cơ
Chùm ngây có khả năng cải tạo đất tốt, là cây trồng cho nguồn sinh khối hữu cơ rất lớn. Phân xanh từ chùm ngây giàu dinh dưỡng đa vi lượng do đó khi cắt tỉa phủ mặt và gốc rất tốt cho đất và cây trồng.
Dùng thân cành lá của chùm ngây ngâm ủ với Trichoderma hoặc IMO để làm phân bón hữu cơ đa vi lượng. Đây là nguồn phân hữu cơ giàu dinh dưỡng thay thế được cho các loại phân bón vi lượng hóa học.
Để tạo ra lượng sinh khối lớn từ cây chùm ngây, cần lưu ý việc bấm ngọn, Tạo tán, khống chế cây với chiều cao dưới 1,5m. Có thể trồng cây với mật độ dày đặc để thu sinh khối nhiều.
Chất kích thích sinh trưởng
Dung dịch chiết xuất từ lá chùm ngây trong ethanol 80% có khả năng kích thích sinh trưởng thực vật. Chiết xuất này có thể được sử dụng bằng cách phun trực tiếp lên lá để kích thích sinh trưởng cây con. Sử dụng hormone sinh trưởng này sẽ làm cho thực vật cứng cáp hơn và chống chịu với sâu bệnh hại tốt hơn, làm cho cây trồng ra trái nhiều hơn, tăng kích thước trái, tăng năng suất cây trồng.
Nghiên cứu của David.L.Martin, chất kích thích sinh trưởng từ cây chùm ngây có thể làm tăng sản lượng từ 25-30% với các cây trồng sau khi phun như hành, đậu tương, ớt tím, ngô, cà phê, chè…
Cành lá chùm ngây còn là nguồn thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho gia súc rất tốt.
Cách trồng chùm ngây
Chùm ngây là một loại cây được đánh giá là dễ trồng, dễ chăm sóc, cây thích hợp trồng ở nhiều vùng khí hậu khác nhau từ lạnh đến nóng đều được. Cây chùm ngây cũng không kén đất, không tốn nhiều công chăm sóc hoặc chi phí mua phân bón. Chùm ngây có thể trồng bằng gieo hạt hoặc giâm cành.
1 Gieo ươm
Thời vụ: cây Chùm ngây có thể trồng quanh năm vì cây chịu khô hạn tốt. Ở những vùng thiếu nước thì nên trồng vào đầu mùa mưa (tháng 4 – 5).
Chuẩn bị bầu ươm (bầu gồm đất mặt và phân hữu cơ đã được ủ hoai) hoặc hố trồng đã được xử lý đất và bón lót phân hữu cơ với khoảng cách phù hợp.
Xử lý hạt: Ngâm hạt chùm ngây với nước ấm 60 độ C (2 sôi, 3 lạnh) trong 24 giờ, sau đó đem gieo.
Gieo hạt: Đặt hạt sâu khoảng 25mm dưới lớp đất xốp, phủ và nén đất nhè nhẹ, tưới nước cầm chừng không để khô quá hoặc ướt quá. Sau 3 – 6 ngày hạt nẩy mầm, và cây sẽ ló ra khỏi mặt đất sau chừng 1 tuần, tiếp tục giữ ẩm không để quá khô, tuyệt đối không để úng nước.
2 Giâm cành
Chọn cành giâm: Chọn những cành bánh tẻ hoặc các nhánh từ cành chính trên những cây khỏe mạnh, lấy đoạn từ gốc đến hết phần bánh tẻ, không lấy phần ngọn. “Gốc cành được ngâm trong nước tránh cho cành khỏi mất nước”.
Cắt cành giâm: Chọn các đoạn thân cành có đường kính từ 2 – 3 cm, cành được cắt với chiều dài từ 10 – 15 cm, mang 2 – 3 cặp lá, cắt bớt phiến lá. Các vết cắt nên cắt xéo, sắc ngọt và tránh bầm dập.
Trước khi giâm cành có thể nhúng vào dung dịch kích rễ.
Cắm cành giâm vào bầu đất hoặc luống đã chuẩn bị, tưới đủ ẩm trong 2 tuần đầu.