Permaculture, hay còn gọi là mô hình nông nghiệp canh tác bền vững là hệ thống nông nghiệp được hình thành nhằm xây dựng cảnh quan dựa trên địa hình tự nhiên, mang tới những thay đổi cùng có lợi cho loài người và thiên nhiên. Các hệ thống được thiết kế cho cảnh quan nông nghiệp có tác động đến thiên nhiên. Các kỹ thuật được sử dụng trong mô hình nông nghiệp bền vững có thể giúp khôi phục đất đai cũng như mang lại thức ăn cho con người.
Còn có nhiều những định nghĩa khác về Permaculture mà bạn có thể tìm thấy. Một trong những lý do tại sao định nghĩa về mô hình nông nghiệp bền vững rất khó chính xác tuyệt đối, và đa dạng từ nguồn này sang nguồn khác là vì cách tiếp cận đến cụm từ này là tập hợp một loạt các ngành như sinh thái học, công nghệ thích hợp, kinh tế, làm vườn, tiến hóa, xây dựng, hệ thống năng lượng, công bằng xã hội,… Điều quan trọng cần lưu ý là mô hình nông nghiệp bền vững thường được sử dụng để trồng cây hiệu quả và năng suất, duy trì cây trồng phát triển bền vững trong tương lai bằng cách tái tạo đa dạng sinh học và hạn chế phân bón.
Permaculture có thể được hiểu là nông nghiệp dựa vào bản chất của quy luật tự nhiên. Với cách tiếp cận đó, Permaculture có thể trả lời được những câu hỏi như:
- Làm thế nào để tôi có thể xây dựng được một hệ sinh thái ?
- Làm thế nào để tôi có thể giảm thiểu tác động đến tự nhiên?
- Tôi có thể làm gì với nguồn lực của mình để làm những việc có ích cho xã hội và nền kinh tế nước nhà?
- Làm thế nào để tôi có thể nuôi trồng được thức ăn cho gia đình mình và tạo ra môi trường sống bền vững cho các sinh vật thay vì dựa hoàn toàn vào công nghiệp thực phẩm và những hệ lụy của nó?
Do vậy, Permaculture là một hệ thống từ lý thuyết tới thực hành áp dụng trong nông nghiệp nhằm nâng cao tính bền vững của nông nghiệp và xã hội loài người. Về phần lý thuyết, thì nó là một loạt các quy tắc ứng xử công bằng giữa các cá thể trong quần thể, giữa các loài trong hệ sinh thái. Kèm theo đó là kho kiến thức sinh thái của các loài, mỗi loài có vai trò gì trong hệ sinh thái, đặc tính của nó ra sao, nó ăn cái gì vào, thải cái gì ra, v.v. Áp dụng các quy tắc và những kiến thức sinh thái đó vào thực tiễn thì phần thực hành của permaculture cung cấp cho chúng ta các mô hình thiết kế nông trại, các kỹ thuật canh tác tự nhiên, các kỹ thuật phối hợp và điều hoà các loài trong hệ sinh thái để vừa đảm bảo “bánh xe” sinh thái được vận hành trơn tru, vừa “lăn” được tới cái đích mà chúng ta muốn tới. Cụ thể, có một mô hình thực tế mà chúng rất quen thuộc, đó là VAC (vườn-ao-chuồng) thể hiện khá rõ những nguyên lý của permaculture.
Để hiểu chi tiết hơn, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về Nguyên lý cốt lõi của thiết kế Permaculture.
3 nguyên lý cốt lõi của permaculture:
– Quan tâm đến môi trường (EARTH CARE): biểu tượng cây non tượng trưng cho sự phát triển tự nhiên và yếu tố thiết yếu của trái đất. Chúng ta phải bảo vệ mảnh đất, môi trường và trái đất của chúng ta thì mọi vật mới sống khỏe mạnh, phát triển tốt và bền vững
Chăm sóc Trái Đất có thể hiểu là chăm sóc đất. Đất là cơ sở của mọi sự sống, với vô số các sinh vật sống trong đất và trên mặt đất. Trạng thái của đất được cho là thước đo tốt nhất cho sức khỏe và hạnh phúc của xã hội. Có nhiều kỹ thuật khác nhau để chăm sóc đất, nhưng phương pháp dễ nhất để nhận biết đất có “khỏe” hay không là xem có bao nhiêu sự sống tồn tại ở đó.
Vậy nên, các thiết kế của hệ thống permaculture cần đảm bảo và giảm tác động xuống mức thấp nhất tới môi trường sống của các sinh vật trong lòng đất và trên mặt đất. Không chỉ vậy, chúng ta cần chú ý tới việc lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm khác. Thử tưởng tượng, bạn có một khu vườn thiết kế theo hệ thống permaculture nhưng lại tiêu thụ một chiếc bánh sản xuất trên dây chuyền công nghiệp, và gây tổn hại đến môi trường? Hơn một phần ba dấu chân sinh thái chúng ta tạo ra là từ lượng thực phẩm chúng ta tiêu thụ, vì vậy sử dụng các sản phẩm nông sản bản địa, giảm lượng phát thải do vận chuyển cũng đã tạo ra khác biệt rất lớn.
Chúng ta không thể tự hoàn toàn tạo ra tất cả vật liệu để xây nhà hay nuôi trồng và chế biến tất cả thực phẩm chúng ta muốn ăn, nhưng chúng ta có thể lựa chọn cách chúng ta tiêu thụ và bảo tồn chúng.
– Quan tâm đến con người (PEOPLE CARE): biểu tượng là hai người ở cạnh nhau thể hiện rằng con người cần phải cộng tác thay vì cạnh tranh với nhau để tạo ra sự thay đổi. Tất cả bắt đầu bằng thay đổi bản thân mình và mở rộng đến gia đình, bạn bè, và cộng đồng. Khó khăn nhất là bản thân mình, phải phát triển tính độc lập, nỗ lực và có trách nhiệm.
Bản chất cốt lõi của “People Care” là tạo dựng cộng đồng. Nếu bạn không có đủ các kỹ năng để nuôi trồng tất cả các loại thực phẩm đáp ứng nhu cầu của bạn hay cải thiện nơi ở của bạn, cộng đồng có thể giúp bạn làm điều đó. Bằng cách cùng chia sẻ các giá trị, hỗ trợ nhau vượt qua các thách thức, chúng ta có thể chăm sóc cho bản thân và người khác mà không sản xuất hoặc tiêu thụ tài nguyên không cần thiết, đảm bảo hệ sinh thái phát triển bền vững.
Cách tiếp cận của permaculture là tập trung vào những mặt tích cực, những cơ hội hơn là những trở ngại, ngay cả trong tình huống tồi tệ. Tạo dựng cộng đồng chính là tập hợp trí tuệ của rất nhiều người để cùng giải quyết một vấn đề, cùng nghĩ ra giải pháp xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích nhất nhưng tạo ra ít tác động tới môi trường nhất.
– Chia sẻ hợp lý (FAIR SHARE): hình tưởng chiếc bánh và một miếng của nó thể hiện rằng chỉ lấy đi những gì bạn cần và chia sẻ đi những gì bạn không cần nhưng vẫn phải hiểu rằng luôn có giới hạn đối với việc bạn có thể lấy đi bao nhiêu và cho đi bao nhiêu.
Nguyên lý này là tổng hợp của hai nguyên lý trên. Nó chỉ ra rằng chúng ta chỉ có một Trái Đất và chúng ta cần chia sẻ nó với thế hệ tương lai, với các sinh vật sống khác trên hành tinh. Việc tăng trưởng kinh tế thời gian qua kéo theo sự tuyệt chủng của rất nhiều sinh vật đã cho thấy sự bất khả thi của việc chỉ tập trung phát triển kinh tế. Vậy nên, khi thiết kế hệ thống permaculture cần đảm bảo tính bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại của chúng ta, mà còn cần hành động để đảm bảo cuộc sống của thế hệ tương lai bằng cách bảo tồn sự đa dạng loài, duy trì và bảo vệ các nguồn giống tự nhiên, bản địa, quý hiếm,…
Từ 3 nguyên lý trung tâm này, chúng ta phát triển lên 12 nguyên tắc thiết kế và hoạt động của Permaculture