Cây dâu tằm có tên khoa học là Morus alba L., Họ Dâu tằm – Moraceae hay còn được gọi là cây Tầm tang, Mạy môn (Thổ), Dâu cang (Mèo).
Là cây thân gỗ, cao 2-3 m. Lá mọc so le, hình bầu dục, nguyên hoặc chia 3 thùy, có lá kèm, đầu lá nhọn hoặc hơi tù. Phía cuống hơi tròn hoặc hơi bằng, mép có răng cưa to. Từ cuống lá tỏa ra 3 gân rõ rệt. Hoa đực mọc thành bông, có lá đài, 4 nhị (có khi 3).
Hoa cái cũng mọc thành bông hay thành khối hình cầu, có 4 lá đài. Quả mọc trong các lá đài, màu đỏ, sau đen sẫm, ăn được, còn dùng làm thuốc hoặc ngâm rượu để uống, mùi thơm, vị chua ngọt.
Ứng dụng của cây dâu tằm
Y học cổ truyền cho rằng cây dâu tằm có rất nhiều công dụng như bồi bổ can thận, điều trị đau nhức xương khớp, điều trị mất ngủ… Ngày nay các nghiên cứu chuyên sâu về cây dâu tằm cho thấy, kinh nghiệm dân gian hoàn toàn chính xác. Cây dâu có nhiều công dụng, trong đó mỗi vị thuốc có một công dụng riêng biệt đó là:
- Lá dâu (Tang diệp): Điều trị cảm mạo, sốt, tiêu đờm, điều trị cao huyết áp, giúp sáng mắt.
- Quả dâu (Tang thầm): Giúp bổ thận, sáng mắt, tăng cường tiêu hóa, điều trị mất ngủ và tóc bạc sớm.
- Vỏ (thân rễ) cây dâu (Tang bạch): Giúp lợi tiểu, điều trị phù thũng, ho có đờm
- Tang ký sinh: Giúp bổ gan thận, điều trị đau nhức xương khớp, thoát vị đĩa đệm
- Tổ bộ ngựa trên cây dâu (Tang tiêu phiêu): Điều trị di tinh, liệt dương, bạch đới, tiểu tiện nhiều lần do thận yếu.