cây đu đủ

Cây đu đủ rất gần gũi trong đời sống hàng ngày. Đây là loại cây ăn quả phổ biến bởi quả của chúng vừa ngon ngọt vừa cung cấp nhiều dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Quả đu đủ hay hoa đu đủ cũng có nhiều dược tính và công dụng phòng chữa bệnh.

Cây đu đủ ưa sáng và hợp với những nơi khí hậu ấm áp, nhiệt độ thích hợp khoảng 25 độ C. Thân cây thuộc dạng thân bán mộc, mềm và mang nhiều sẹo lá (mỗi lá rụng đi để lại trên cây 1 vết sẹo). Rễ đu đủ là loại rễ bàng, ăn cạn, chủ yếu chúng có xu hướng đâm nhánh ngang và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, đây là điểm yếu khiến cây hay bị úng rễ.

Cây đu đủ có 3 loại hoa: hoa đực, hoa cái và hoa lưỡng tính. Hoa đu đủ thường mọc ra từ nách lá.

Quả đu đủ có nhiều hình dạng khác nhau như hình thon dài, hình trứng và hình cầu. Bên trong có nhiều hạt. Quả đu đủ có thể sử dụng ngay khi chúng còn xanh với vai trò là thành phần cho các món ăn từ làm gỏi, nấu canh, hầm xương,… đến khi chín chúng lại là một trong những loại trái cây thơm ngon.

Thành phần quả đu đủ xanh chứa một loại enzyme gọi là papain và protease. Loại chất này khi nấu với thịt hay các loại protein khác chúng đẩy nhanh tiến độ làm mềm.

Thời vụ đu đủ

Đây là loại cây ăn quả ra quả quanh năm, có mùa nhiều mùa ít. Do đó, nếu muốn trồng cây đu đủ năng suất cao, hạn chế sâu bệnh bạn nên trồng vào thời điểm tháng 7, tháng 8 và chủ động được vấn đề tưới tiêu nước.

Tham khảo một số công dụng của đu đủ.

Lá cây đu đủ

Trong lá đu đủ có chứa chất cacpain, chất này giúp làm mạnh tim. Không chỉ thế, trong một số nghiên cứu dựa trên mô hình ung thư thực nghiệm, lá đu đủ còn cho thấy tác dụng ức chế sự phát triển của khối u. Cụ thể, cao chiết với cồn từ lá đu đủ có tác dụng ức chế sự phát triển của u báng trên chuột nhắt trắng (do tế bào ung thư Sarcoma TG. 180)

Dân gian còn lưu truyền bài thuốc điều trị ung thư từ lá đu đủ như sau (bài thuốc này đã được ghi vào công trình Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam):

Cách dùng: Lấy lá đu đủ tươi (từ 3 – 7 lá, lựa lá bánh tẻ, không non cũng không quá già) rồi dùng tay xé nhỏ ra thành từng miếng nhỏ kể cả cuống lá (lưu ý không được dùng dao hay kéo để cắt). Sau đó, cho lá đu đủ vào nồi, nấu với nước, nấu đến khi nước rút lại chỉ còn 1/ 3 thì tắt bếp, chia thuốc thành ba lần và uống trong ngày (bài thuốc này cần dùng liên tục, kiên trì trong thời gian dài để thấy hiệu quả). Lưu ý, nước hãm lá đu đủ uống vào sẽ gây hạ huyết áp, vì vậy, những người huyết áp thấp không được dùng.

Ngoài ra, lá đu đủ phơi khô còn được nấu lấy nước thật đặc để rửa vết loét, giúp sát trùng và tẩy các vết máu dính trên vải.

Quả đu đủ chín

Theo y học cổ truyền, quả đu đủ chín là loại quả bổ dưỡng, ngọt mát và có các công dụng như:

  • Tốt cho hệ tiêu hóa, giúp nhuận tràng.
  • Giúp mát gan, lợi tiểu.
  • Giúp tiêu thũng, tiêu đờm.
  • Giúp giải độc và giảm đầy hơi.

Ngoài ra, các tư liệu còn ghi nhận nếu sau bữa cơm chiều, trẻ em ăn thêm đu đủ chín (liên tiếp trong mười ngày) thì có thể xổ giun. Bên cạnh đó, những người bị bệnh tim cũng có thể lấy thịt quả đu đủ (loại vừa chín tới), cắt miếng vuông vuông rồi đem nấu với đường phèn, ăn vào mỗi buổi sáng cũng có tác dụng bổ trợ rất tốt (nên ăn lúc còn nóng).

Quả đu đủ xanh

Đu đủ xanh cũng tốt cho hệ tiêu hóa nên những người bị viêm dạ dày mãn tính (hay trẻ em bị viêm dạ dày ruột non) có thể ăn đu đủ xanh hầm thịt để cải thiện tình trạng bệnh. Ngoài tác dụng nhuận tràng và lợi tiểu nhẹ, đu đủ xanh còn có tác dụng thúc đẻ. Vì vậy, phụ nữ mang thai cần tránh ăn đu đủ xanh, nhất là những quả còn non (vì sẽ gây sảy thai hoặc sinh non).

Hoa đu đủ

Hoa đu đủ (thường dùng hoa đu đủ đực) có vị ngọt đắng, tính ấm. Theo y học cổ truyền, hoa đu đủ đực có thể điều trị ho, mất tiếng và viêm ống phổi (có thể dùng ở dạng hoa tươi hoặc khô). Cách dùng hoa đu đủ điều trị ho ở trẻ nhỏ như sau: hái 10 đế 20 g hoa tươi, rửa sạch, trộn với đường phèn rồi đem hấp cơm, sau đó xay nát ra và chắt nước uống (chia ra để uống hai hoặc ba lần mỗi ngày).

Phân biệt đu đủ đực – cái

  • Cây đu đủ đực có thân khá nhỏ so với cây đu đủ cái.
  • Hoa đu đủ đực mọc ở phần kẽ lá, có nhánh dài, nhiều hoa và mọc theo chùm.
  • Đu đủ đực cho rất nhiều hoa và thường ít quả, nếu có thì quả rất nhỏ hoặc ăn không ngon.
  • Hạt đu đủ đực ngâm nước thường sẽ nổi trên nước, có màu trắng nhạt, không có màu đen bóng giống như hạt đu đủ cái.
  • Còn đối với cây non, rễ cây đu đủ đực là loại rễ cọc, mọc sâu vào trong đất.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *