IMO được hiểu là Vi sinh bản địa, IMO là gì?
Vi sinh vật bản địa (Tiếng Anh: Indigenous Microorganism; viết tắt: IM, IMO) bao gồm các loài vi sinh có nguồn gốc bản địa, sinh sống và phát triển trong môi trường tự nhiên.
Các vi sinh vật bản địa sống trong đất, nước… tham gia tích cực vào quá trình phân giải chất hữu cơ biến chúng thành CO2 và những hợp chất vô cơ sử dụng làm thức ăn cho cây trồng; một số vi sinh vật cố định nitơ thông qua việc biến khí nitơ (N2) trong không khí thành các hợp chất chứa nitơ để cung cấp cho thực vật.
Chế phẩm IMO (Vi sinh vật bản địa) được điều chế bằng cách tận dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại địa phương, lên men tạo ra nhiều loại vi sinh vật khác nhau tôn tại trong môi trường tự nhiên tại địa phương có hoạt tính sinh học cao sử dụng cho canh tác sẽ cực kỳ tốt.
IMO có thể làm được gì?
Chế phẩm vi sinh bản địa IMO có thể được sử dụng dưới nhiều cách khác nhau như trộn vào thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, ủ vào chất thải để rút ngắn thời gian hoai mục, ủ rác hữu cơ, xác động vật làm phân đạm hòa tan, xác cây chuối để có nguồn Kali, Phốt pho, và hoai mục nhanh các loại hữu cơ, xử lý mùi hôi thối trong quá trình ngâm ủ, pha trộn với nước ao, hồ nuôi tôm, cá để giảm ô nhiễm nguồn nước, bón tưới cho cây để diệt trừ bệnh hại, cải tạo đất trồng…
Tự chế IMO
Nguyên liệu: gạo (nên chọn loại gạo rẻ tiền) hoặc một nguồn giàu carbonhydrate; đường nâu hoặc mật đường (rỉ đường – thứ thu được từ bả mía ép hay có màu nâu đen giống nước màu kho cá); khay gỗ (thường dùng khay có kích thước 40*40 cm, cao khoảng 7-8 cm).
Điều chế: nấu gạo thành cơm chín, trải thành một lớp 2-3 cm trong khay, không nén chặt nhằm tạo diện tích lớn nhất để vi sinh vật phát triển. Dùng giấy niêm phong lại cho chặt, đảm bảo không bị thụng xuống chạm vào lớp cơm trong khay. Tìm nơi có tán che hoặc tán cây rậm rạp (thường là nơi tập trung nhiều vi sinh vật nhất), đào một hố nông bằng khoảng 1/2 chiều cao khay gỗ, cho khay chứa cơm đã chuẩn bị vào, dùng lá mục, cành khô gần ngay tại đó phủ sao cho kín, nếu sợ mưa có thể phủ lên một lớp nilon. Sau 3-4 ngày (mùa nóng) hoặc 5-6 ngày (mùa lạnh), lớp cơm trong khay gỗ sẽ bị bao phủ bởi một lớp mốc trắng, đôi khi có lẫn một số mốc khác màu vào. Thu lấy lớp cơm chứa mốc trắng (không nên hoặc hạn chế dùng đến phần cơm chứa các mốc màu khác vì các vi sinh vật có hại có thể lẫn vào) đem trộn với mật rỉ đường hoặc đường nâu theo tỷ lệ khối lượng 1:1, cho vào đầy khoảng 2/3 một hũ chứa sạch, dùng giấy báo niêm phong lại, để nơi râm mát trong khoảng 7 ngày. Sau thời gian này, đem chắt lọc lấy phần IMO lỏng (có thể thu được rất ít) cho vào một hũ chứa khác, dùng giấy niêm phong lại. IMO lỏng thu được gọi là IMO-2, còn IMO ban đầu (phần cơm chứa mốc trắng) gọi là IMO-1. Một số nơi khi làm bước trộn cơm mốc với đường có thể thêm một lượng nước sạch bằng 3 lần lượng hỗn hợp cơm + đường, sau khi lọc sẽ thu được sản phẩm gọi tắt là BIM.
Ứng dụng: Dùng IMO: 100-250 mL IMO-2/16 L nước, phun ẩm cho đất hàng tuần. Dùng 2 mL IMO-2/1 L nước, phun ẩm cho đống ủ compost, giúp ngăn mùi hôi và làm quá trình ủ diễn ra nhanh hơn.
Dùng BIM: 15-30 mL BIM/1 gallon nước (1 gallon = 3.78 L) phun ẩm cho lá và đất. Đối với đống ủ compost, dùng BIM pha loãng với nước theo tỷ lệ thể tích 1:1000 hoặc 1:500 phun ẩm cho đống ủ.
IMO-3,4,5: nên tiến hành làm các IMO thứ cấp trên mặt đất, ở nơi mát mẻ, không làm trên nền bê tông.
Pha loãng IMO-2 hoặc BIM theo tỷ lệ thể tích 1:1000 trộn với cám sao cho đạt độ ẩm khoảng 65-70% (dùng tay cầm một nắm cám, bóp chặt, thấy cám vo lại thành cục và nước rỉ ra một vài giọt là được), trải cám thành một lớp cao khoảng 30-40 cm, dùng rơm rạ hoặc một tấm bạt phủ kín. Trong quá trình ủ, khi thấy nhiệt độ cao hơn 45 độ C thì nên tiến hành đảo đống ủ để nhiệt độ hạ xuống (nhiệt độ quá cao sẽ làm chết các vi sinh vật có ích). Tiến hành ủ như vậy cho đến khi nhiệt độ trở lại bình thường là hoàn tất. Đây gọi là IMO-3.
Dùng IMO-3 trộn với đất theo tỷ lệ khối lượng 1:1, trải thành lớp dày khoảng 20 cm, phủ bạt hoặc rơm lên để khoảng 1 ngày để vi sinh vật phân bố đều khắp đống ủ. Nếu thấy hỗn hợp bị khô thì dùng IMO-2 loãng làm ẩm. Đây gọi là IMO-4. Đất đem dùng nên là đất kết hợp từ rừng, trang trại, đồng lúa, …Trộn IMO-4 với phân gà theo tỷ lệ 1:1 về khối lượng, chất đống cao khoảng 80-90 cm, phủ kín lại tiến hành ủ trong khoảng 7 ngày. Sản phẩm thu được gọi là IMO-5, là một nguồn phân bón hữu cơ hầu như không còn mùi hôi, có thể đem bón trực tiếp cho cây trồng.
2. FAA (AMINO ACID TỪ CÁ): cung cấp amino acid cho cây trồng
Mục đích dùng chế phẩm là để cải tạo lại đất, xây dựng hệ sinh thái vi mô đã mất do lạm dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học gây ra, và cũng xin nhắc lại là nếu chúng ta không chắc về những chế phẩm mình tự làm thì chỉ nên dùng một phần đất nhỏ mà mình có để thử nghiệm trước, không nên thử nghiệm trên phạm vi rộng.
Nguyên liệu: cá nguyên con hay tạp phẩm từ cá (đầu, ruột, vây, …); IMO-2 hoặc BIM; đường nâu hoặc rỉ đường.
Điều chế: nguyên liệu cá để nguyên hoặc băm nhỏ càng tốt, trộn với đường theo tỷ lệ khối lượng 1:1, cho vào khoảng 2/3 một hũ chứa sạch, dùng giấy niêm phong kín, để nơi râm mát trong 7 ngày. Trong quá trình này nếu thấy chất béo nổi trên bề mặt hỗn hợp trong hũ có thể thêm khoảng 30 mL IMO-2 hoặc BIM vào để hòa tan chất béo này. Sau thời gian trên có thể lọc lấy phần lỏng trữ và dùng dần (cho vào hũ chứa nhỏ niêm phong bằng giấy), chất rắn sau khi lọc có thể trộn chung vào đống phân ủ.
3. CAL-PHOS: bổ sung Ca và P cho cây trồng
Nguyên liệu: 2 kg xương động vật; 20 lit giấm nguyên chất.
Điều chế: cho xương động vật lên chảo rang đều đến khi mỡ và thịt thừa cháy hết, xương chuyển sang màu đen là được, không để xương chuyển sang màu trắng. Để nguội rồi cho toàn bộ xương vào một bình chứa sạch, thêm lượng giấm đã chuẩn bị vào, chờ tới khi bọt khí không còn nổi lên nữa thì vặn nắp bình lại,để nơi tối mát trong khoảng 30 ngày.
4. NƯỚC HÒA TAN CALCIUM: bổ sung Ca cho cây trồng
Nguyên liệu: các loại vỏ chứa Ca như vỏ trứng, vỏ sò, vỏ ốc; giấm nguyên chất.
Điều chế: nguyên liệu đem rửa sạch, nghiền nhỏ rồi cho lên chảo rang đều đến khi chuyển sang màu nâu đen, để nguội, cho toàn bộ vào bình chứa. Cứ 1 kg nguyên liệu này thì thêm vào 10 lit giấm, đợi đến khi không còn bọt khí xuất hiện nữa thì vặn chặt nắp, để nơi tối mát khoảng 30 ngày.
Sử dụng FAA/ Cal-Phos/ nước hòa tan Ca: dùng 30 mL/ 1 L nước, phun ẩm cho đất hàng tuần. Dùng Cal-Phos pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:1000 phun cho lá đối với cây ăn trái trong giai đoạn ra hoa kết quả.
5. FRB (CÁM LÊN MEN): dùng bón cho cây như một loại phân bón hữu cơ
Nguyên liệu: 15 mL FAA; 15 mL IMO-2; 1 kg cám; 1 L nước.
Điều chế: trộn đều FAA, IMO-2 và nước. Cho từ từ dung dịch này vô thau chứa cám, trộn đều để đạt độ ẩm khoảng 60% (bóp chặt một nắm cám thả nhẹ xuống thau thấy nó vẫn vón cục mà không bể ra là được). Cho hỗn hợp đã trộn vào một hũ chứa sạch, dùng giấy niêm phong kín, để nơi tối mát trong 7-10 ngày, mỗi ngày đảo trộn hỗn hợp một lần. Nếu thấy nó quá khô thì thêm một ít nước vào, mục đích là có đủ độ ẩm cần thiết.
Ứng dụng: nên dùng FRB trong thời gian ngắn bởi khá dễ bị mốc. Dùng 1kg/ 1000 m2, dùng bón lên đất ẩm hoặc rải lên đất rồi tiến hành xới đất để FRB phân tán đều hơn.
Vài lưu ý khi làm chế phẩm vi sinh
– Không nên dùng đường trắng để làm vì sau khi chế biến, trong đường trắng còn lại rất ít vitamin và khoáng chất. Do đó nên chọn đường nâu hay mật đường.
– Không dùng nước có chứa chlorine (Cl) khi điều chế các chế phẩm sinh học vì chlorine có tính sát khuẩn nên sẽ diệt luôn các vi sinh có lợi. Nếu dùng nước máy nên để khoảng 12-24 giờ để bay bớt chlorine.
– Không dùng vật liệu thủy tinh hoặc kim loại để điều chế hay lưu trữ chế phẩm sinh học vì khí sinh ra có thể gây nổ bình, đồng thời các chế phẩm có môi trường acid có thể gây ăn mòn kim loại.
– Các chế phẩm thường có mùi thơm hơi chua, môi trường acid có pH dưới 4. Nếu chế phẩm có mùi hôi và pH cao thì nó đã hỏng, không xài được.
– Vào mùa nóng, quá trình làm chế phẩm thường diễn ra nhanh hơn so với mùa lạnh, nên cần để ý điều này.
– Luôn chừa một khoảng không gian khoảng 1/3 hay 1/4 hũ chứa trong quá trình điều chế và lưu trữ các chế phẩm sinh học.
Rất bổ ích, kính đề nghị hướng dẫn dùng IMO để ủ phân bò khô để bón cây. Trân trọng cảm ơn!
Chẳng thấy hướng dẫn bảo quản imo phần quan trọng
Xin cho hỏi tại sao gọi là BIM và BIM có nghĩa là gì? Viết tắt từ chử gì?